Nhiều người Việt quan niệm cái gì của cha mẹ cũng tốt cho con nên nhá cơm cho trẻ ăn là một việc đúng đắn. Tuy nhiên đây là một suy nghĩ sai lầm. Vậy tại sao không nên nhá cơm cho trẻ ăn? Dưới đây là những thông tin hữu ích mà cha mẹ cần biết khi cho con trẻ ăn.
Nhá cơm cho trẻ ăn rất mất vệ sinh.
Trong miệng người lớn có rất nhiều vi khuẩn, đặc biệt những cụ già không thường xuyên chăm sóc răng miệng lại càng dồi dào những vi khuẩn nguy hại. Trong khi đó cơ thể của trẻ nhỏ còn rất yếu và dễ nhạy cảm với những loại vi khuẩn nguy hiểm. Ông bà, cha mẹ thường có thói quen nhá cơm cho con nhỏ ăn là cách chăm sóc mất vệ sinh và gây ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe của con trẻ.
Nhá cơm cho trẻ ăn làm giảm tác dụng của men tiêu hóa ở trẻ.
Trẻ tự nhai và ăn tự nhiên giúp kích thích men tiêu hóa phát huy công dụng và tự sản sinh các chất đề kháng chống lại những loại thực phẩm không tốt. Còn ngược lại, trẻ ăn cơm nhá sẵn sẽ không hoạt động hiệu quả men tiêu hóa như mong đợi.
Nhá cơm cho trẻ ăn tăng nguy cơ mắc bệnh lậu ở trẻ nhỏ.
Bệnh lậu là một trong những loại bệnh xã hội rất nguy hiểm, do lậu cầu khuẩn Neissera gonorrhoeae gây nên. Trong trường hợp, người lớn trong gia đình có những mối quan hệ ngoài luồng không an toàn, sau đó nhai cơm cho trẻ ăn sẽ dẫn đến lây nhiễm loại bệnh nguy hại này sang cho con trẻ vô tội.
Nhá cơm cho trẻ ăn tăng nguy cơ mắc bệnh màng não cầu.
Bệnh màng não cầu có nguồn gốc từ một loại song cầu khuẩn cư trú ở mũi và họng, bệnh rất dễ lây truyền qua đường nước bọt. Vì vậy việc nhai cơm cho con ăn có thể tăng khả năng trẻ bị mắc bệnh màng não cầu.
Nhá cơm cho trẻ ăn truyền nhiễm bệnh viêm gan.
Viêm gan là một trong những loại bệnh lây truyền qua tuyến nước bọt. Khi người lớn mắc bệnh viêm gan nhai cơm cho trẻ, virus viêm gan xâm nhập từ nước bọt vào cơm và tiếp đến là cơ thể của con trẻ. Bệnh viêm gan thường diễn biến âm thầm nên rất khó để phát hiện ra trẻ đã bị mắc bệnh hay chưa. Tốt nhất không nên nhai cơm cho trẻ ăn để bảo vệ sự an toàn cho bé.
Nhá cơm cho trẻ ăn khiến trẻ dễ bị bệnh lỵ amíp.
Bệnh lỵ tiềm ẩn trong kẻ móng tay và lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường tiêu hóa. Người lớn thường có thói quen dùng tay bốc đồ ăn để mớm cho trẻ, hoặc dùng tay lấy đồ ăn nhai rồi đút cho bé. Đây là việc làm vô tình khiến con trẻ bị nhiễm bệnh lỵ amíp.
BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: Không nên cho trẻ nhỏ ăn cơm mớm hoặc cơm nhá. Hãy cho trẻ ăn những loại thức ăn được chế biến phù hợp với từng độ tuổi để bé dễ tiêu hóa và hấp thụ.
Hạ Anh (t/h)