Bên cạnh việc bú sữa mẹ thì đến giai đoạn bé tập bú bình cũng rất quan trọng vì đó là cột mốc để đánh dấu sự phát triển mới của bé, thế nhưng việc cho bé bú bình không phải là chuyện đơn giản nếu như mẹ không cho bé bú đúng cách.
Dưới đây là những cách giúp bé thích nghi nhanh và chịu bú bình, các mẹ cùng tham khảo để có thêm kinh nghiệm giúp bé yêu nhà mình phát triển khỏe mạnh qua việc bú bình đúng cách nhé.
Cho bé có cảm giác bú bình như bú mẹ
Muốn làm được điều đó, việc quan trọng đầu tiên mẹ nên làm là chọn cho bé một cái núm vú bình sữa phải giống thật nhất có thể, bởi nhiều bé thường rất hay nhạy cảm và phát hiện được mình đang bị “đánh lừa” và không muốn bú.
Do vậy, mẹ nên chọn bình bú cho bé thật kĩ càng, không chỉ nhìn bề ngoài về hình dáng mà còn phải thử độ mềm cũng như tốc độ sữa chảy của núm vú đó. Ngoài ra, mẹ cũng nên để ý việc núm vú có mùi cao su không, đây là việc làm rất quan trọng để quyết định bé có chấp nhận loại núm vú giả này hay không.
Giảm từ từ số lần cho bé bú mẹ
Thay vì mẹ ngừng hẳn việc cho bé bú mẹ và chuyển sang giai đoạn cho bé bú bình, như vậy sẽ khiến cho bé khó thích nghi ngay đồng thời việc mẹ ngừng cho bé bú đột ngột sẽ khiến cho ngực mẹ bị căng cứng và đau.
Để tránh tình trạng đó, mẹ hãy lên kế hoạch phân chia lịch bú cụ thể ví dụ như giảm bớt một cữ bú sau mỗi 3 – 5 ngày, lúc đó ngực mẹ sẽ tiết sữa ít dần và tránh gây tình trạng khó chịu. Ngoài ra, mẹ cũng có thể dùng lá bắp cải, chườm nóng lên ngực hoặc bơm sữa với một lượng vừa phải ra ngoài, đây cũng là cách giúp mẹ giảm đau hiệu quả.
Nhờ người quen trong nhà cho bé bú bình
Việc mẹ trực tiếp cho bé bú bình, có thể bé sẽ khó mà ngậm bình trong khi bé đã nhận ra hơi mẹ và đòi ti. Chính vì vậy, việc nhờ người quen trong nhà lúc này rất cần thiết để giúp bé thích nghi dần với bình sữa khi bé đói.
Làm ấm bình sữa trước khi cho bé bú bình
Nhiều em bé bú sữa mẹ thích sữa nóng hơn so với nhiệt độ bình thường . Do vậy, mẹ hãy nên làm ấm chai sữa để việc cho bé bú sữa dễ dàng hơn.
Không nên cho sữa bột khi mới bắt đầu tập cho bé bú bình
Việc này sẽ khiến cho bé phải đối phó cùng lúc với cả hai sự thay đổi đột ngột, đó là ti mẹ và sữa mẹ. Điều đó sẽ khiến cho bé rất khó làm quen và không chịu bú bình. Tuy nhiên, nếu như mẹ chỉ thay đổi từng cái một, thì việc bú bình sẽ khiến bé dễ chấp nhận hơn vì bé vẫn còn cảm nhận được mùi sữa mẹ trong bình sữa và chịu ngậm thử hơn.
Sử dụng môi trường xung quanh
Khi cho bé tập bú bình thì việc tác động của môi trường xung quanh đóng vai trò không kém phần quan trọng để giúp bé nhanh thích nghi với bình sữa. Để làm được điều đó, mẹ hãy sử dụng các đồ chơi âm thanh, tivi, nhạc cụ… trước khi cho bé bú bình. Những đồ vật này sẽ góp phần đánh lạc hướng sự chú ý của bé, giúp bé bắt đầu bú bình một cách vô thức trước khi nhận ra núm bình sữa đang ở trong miệng mình.
Làm cho núm ti bình sữa to hơn
Mẹ hãy sử dụng một cây kim vô trùng chọc một lỗ lớn trên đầu núm ti bình sữa để đảm bảo lượng sữa chảy lớn hơn khi ti mẹ. Với loại bình sữa này, mẹ có thể áp dụng cho bé bú khi bé khóc, sẽ rất hiệu quả bởi vì nó có thể làm cho bé cảm thấy sữa chảy ra rất trơn tru và việc tiếp nhận sữa cũng sẽ dễ hơn.
Ngoài việc tạo cho núm ti bình sữa lớn hơn thì mẹ cũng có thể thử các loại bình và núm vú khác nhau khi tập cho bé bú bình và mẹ nên chọn núm vú mềm gần giống ti mẹ để việc bé có thể tập bú bình thích nghi tốt hơn.
Thời gian cho bé bú
Để bé yêu nhà mình tập làm quen với việc bú bình nhanh hơn, hiệu quả hơn thì thời gian cho bé bú là rất quan trọng. Chính vì vậy, mẹ nên chọn thời điểm lúc bé đang đói, đang buồn ngủ, mắt bé lơ mơ để cho con bú bình, lúc này phản xạ của bé khi bú bình sẽ lên cao và nhanh chóng tiếp nhận với việc bú bình hơn.
Tuy nhiên, mẹ cũng nên lưu ý không được cho bé bú khi bé đang ngủ say hoặc đang nghẹt mũi để đảm bảo an toàn cho bé nhé.
Hy vọng những cách trên sẽ giúp cho các mẹ có thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc con cái tốt nhất . Ngoài ra, mẹ cũng không nên ép bé quá nếu bé chưa sẵn sàng trong việc bú bình, hãy chọn một thời điểm thích hợp hơn để đảm bảo an toàn cho bé. Chúc bé yêu nhà bạn luôn mạnh khỏe, ăn mau chóng lớn nhé!
Duy Anh (t/h)