Ngoài tác dụng cung cấp điện giải cho cơ thể, nước muối sinh lý còn có thể dùng để nhỏ mắt, nhỏ mũi, súc miệng… Với tỉ lệ pha chế 9g muối tinh khiết trong 1 lít nước (9%), đây là dung dịch vô cùng an toàn cho mọi đối tượng. Dưới đây là hướng dẫn để bạn dùng muối sinh lý đúng cách.
Cách dùng nước muối sinh lý
Làm thuốc rửa mũi
Mũi là cửa ngõ đầu tiên của cơ quan hô hấp nên dễ bị ảnh hưởng bởi hóa chất độc hại cũng như bụi bặm, vi khuẩn và các yếu tố gây bệnh khác. Nếu mũi bạn bị viêm nhiễm, hãy dùng nước muối sinh lý để làm sạch lớp mủ trước khi sử dụng thuốc. Bằng cách này thuốc sẽ phát huy tác dụng tối đa nhờ tiếp xúc trực tiếp vào lớp biểu mô của niêm mạc ở mũi.
Nước muối sinh lý dùng rửa mũi thường được pha chế ở dạng 100ml, 500ml. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng nước muối sinh lý truyền tĩnh mạch hoặc lấy nước nhỏ mắt để rửa mũi. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không làm ngược lại là dùng thuốc nhỏ mũi để nhỏ mắt nhé. Đối với trẻ em, khi mũi bị viêm, lớp tế bào bị tổn thương, chảy nước mũi (có thể là nước trong, xanh, đục hoặc vàng) sẽ làm mất đi chức năng bảo vệ của mũi. Lúc này, các bậc phụ huynh cần dùng nước muối sinh lý để làm sạch nước mũi trước khi nhỏ thuốc cho trẻ.
Khi mũi hoàn toàn bình thường, bạn không nên sử dụng nước muối để rửa mũi một cách thường xuyên. Vì nếu làm vậy, bạn sẽ vô tình làm mất đi lớp thảm nhầy bảo vệ mũi và gây tổn thương niêm mạc mũi. Điều này khiến chúng ta dễ bị bệnh viêm mũi hơn. Tốt hơn hết bạn chỉ nên dùng nước muối sinh lý một lần mỗi tuần, đặc biệt là khi đi làm hoặc phải đến những nơi nhiều bụi bặm.
Dùng làm thuốc rửa mắt
Bạn nên dùng nước muối sinh lý 0,9% dạng nhỏ mắt hàng ngày để rửa mắt. Nước muối sinh lý sẽ tẩy trôi những mầm bệnh, đồng thời làm ẩm và dịu cho bề mặt nhãn cầu. Lưu ý, dùng nước muối NaCl 0,9% bán ở nhà thuốc để nhỏ mắt chứ không tự ý pha chế muối ăn với nước ở nhà vì khi bạn pha ở nhà sẽ không an toàn cũng như đảm bảo về nồng độ và sự vô trùng.
Dùng để súc miệng
Chỉ nên dùng nước muối có nồng độ 0,9% để súc miệng, vì nồng độ cao rất dễ gây tổn thương các tế bào bên trong vòm họng. Bạn nên tập thói quen dùng nước muối để vệ sinh răng miệng sau đánh răng buổi sáng và tối.
Bạn cũng có thể pha nước súc miệng này tại nhà bằng cách cho 1 thìa cà phê (5g) muối ăn vào trong 1 cốc nước ấm. Dung dịch này vừa có thể sát khuẩn vừa giúp tránh tổn thương tế bào niêm mạc miệng. Khi súc miệng, bạn nên cố gắng ngậm càng lâu càng tốt, súc vài lần, mỗi lần vài ba ngụm để tẩy sạch các chất nhày, mủ trong họng và diệt khuẩn. Mỗi ngày nên súc 1 – 3 lần.
Dùng truyền dịch
Dung dịch NaCl 0,9% dạng thuốc tiêm truyền là dung dịch tốt nhất để truyền dịch vì nó đạt các tiêu chuẩn của thuốc dùng qua đường tĩnh mạch đồng thời bạn sẽ không lo bị lây bệnh vì độ vô trùng tuyệt đối của nó.